THPT Đầm Dơi – Rạng danh vùng đất cuối trời Tổ quốc, miền kí ức đầy tự hào của bao thế hệ

Thứ ba - 17/11/2020 05:55
Trải qua 40 năm thành lập, Trường THPT Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau đã khẳng định vị thế của mình trên con đường mang đến tri thức và sự thành công trong công tác giáo dục, góp phần kiến tạo tương lai cho quê hương, đất nước.

Thầy Võ Thanh Hùng, thầy Nguyễn Ái, thầy Châu Văn Tuy trong khoảnh khắc vàng son của năm 2012: Trường THPT đầu tiên của tỉnh Đạt chuẩn Quốc gia

Được thành lập từ 1980, đến nay Trường THPT Đầm Dơi đã trở thành thương hiệu, khẳng định được vị thế của mình. Tập thể nhà trường tự hào khi THPT Đầm Dơi trở thành trường THPT đầu tiên của Tỉnh Cà Mau đạt chuẩn Quốc gia, luôn là điểm sáng của ngành giáo dục và đào tạo Cà Mau với bề dày thành tích ấn tượng với 984 học sinh giỏi vòng tỉnh, 80 học sinh giỏi vòng Quốc gia. Trong đó, 59 học sinh giỏi vòng Quốc gia ở các môn Văn hóa, và 21 học sinh giỏi vòng Quốc gia ở các cuộc thi phong trào.

Kể về trường bằng tất cả những kỷ niệm đầy cảm xúc, Thầy Võ Thanh Hùng (Hiệu trưởng hiện tại) trải lòng chia sẻ: “Trường THPT Đầm Dơi được thành lập 40 năm. Và cũng gần ngần ấy thời gian tôi gắn bó với trường. Tôi là học sinh khóa 4 (1983 – 1986) và cũng là giáo viên của trường từ năm 1991. Tôi đã từng chứng kiến bao cuộc thay đổi thăng trầm, bao cuộc chia tay vui buồn sâu lắng.

Trong 40 năm hình thành, phát triển có nhiều thế hệ thầy cô giảng dạy và làm việc tại trường nhưng dù có đi đâu, ở đâu thì trong miền ký ức của thầy cô vẫn tự hào vì đã gắn bó với mái trường THPT Đầm Dơi. Rất nhiều thầy cô chuyển công tác, có thầy ở hơn nữa vòng quả đất nhưng trong trái tim vẫn dành một phần tình cảm cho ngôi trường và học sinh nơi này, thật cao cả, thiêng liêng”.

Thầy Hiệu trưởng cũng cho biết: “Bốn mươi năm, 38 thế hệ học sinh ra trường, có người nối nghiệp thầy cô trở về chèo lái con thuyền mơ ước, có biết bao anh chị, bạn bè, đàn em thân thương thành đạt, đem công sức và trí tuệ của mình góp phần xây dựng cuộc sống gia đình, quê hương, đất nước. Từ ngôi trường này, có người đang giữ vai trò, vị trí cao trong cơ quan Đảng và Nhà nước; có người là Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ, Cử nhân; có người là bác sĩ, kỹ sư; có người buôn bán, kinh doanh; có người trực tiếp sản xuất để làm ra của cải cho xã hội…Dù ở cương vị nào, nghề nghiệp gì thì học sinh của trường vẫn sống tốt, sống hết mình, vẫn nhớ lời dạy bảo năm xưa của thầy cô.”

40 năm thăng trầm với bao đổi thay, trường đổi diện mạo mới, mang màu áo mới khi luôn chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, khang trang, hiện đại, tạo nên không gian học tập, rèn luyện tích cực cho học sinh, môi trường giảng dạy thoải mái cho giáo viên.

Thầy Võ Thanh Hùng khẳng định việc giáo dục và đạo tạo con người, khó khăn vất vả gấp vạn lần so với trồng cây vào đất. Là người con của quê hương Đầm Dơi, là lãnh đạo nhà trường thế hệ kế tiếp, “Tôi xin tri ân những thầy cô từng là cựu lãnh đạo, giáo viên, nhân viên qua các thời kỳ. Cám ơn các thầy cô đã lao tâm, khổ trí, dành hết tình thương cho đàn em thân yêu, dành hết tâm huyết vì sự phát triển của nhà trường. Cám ơn các thầy cô đã đã khơi dậy tinh thần hiếu học để con em Đầm Dơi vững bước đến trường, vượt qua gian khó.”

Trong ký ức của thầy Võ Hoàng Anh, hiện đang đảm nhiệm chức vụ Tổ trưởng tổ Vật lí – Công nghệ của trường nhớ lại những câu chuyện của ngày ấy: “Nhà chúng tôi rất xa trường. Phương thức di chuyển ngày ấy là đi bộ, đi xuồng chèo. Nhà đứa nào cũng xa, lội bộ mỗi ngày sao chịu nổi. Nên chúng tôi phải tự cất nhà quanh trường mà ở học. Nói là nhà nhưng chúng chỉ giống như những cái am nhỏ quanh trường. Cái am hơi lớn hơn cái am thờ ở các ngã ba đường ấy. Nó giống cái chòi cống thì hơn…”

Thầy Võ Hoàng Anh trong một tiết dạy

Hoài niệm về ký ức, thầy Hoàng Anh chia sẻ thêm: “Ngày ấy chế độ tem phiếu, thầy tôi được cấp gạo và nhu yếu phẩm. Không có lương, chỉ có phụ cấp. Nhưng than ôi, gạo đôi khi mốc meo, khó ngửi. Lũ chúng tôi thì hai tuần về nhà tải lương thực, thực phẩm một lần: gạo, cá, rau… có gì mang nấy. Hết cá thì xuống sông, xuống mương mà mò, mà bắt. Ngày đó cá tôm nhiều vô số kể nên việc cá mắm thì khỏi phải lo. Mới đầu chúng tôi tặng thầy cá rau, sau quen dần thầy cũng xuống sông, xuống ao bắt cá cùng chúng tôi. Ôi những con rái cá. Thầy coi chúng tôi như những người anh em vậy.”

Cô Nguyễn Duy Thuần Giáo viên bộ môn Toán có thâm niên lâu năm tại ngôi trường rạng danh vùng cuối trời Tổ quốc

Đối với cựu học sinh niên khóa 1999 – 2001 – Trần Thanh Truyền hiện đang công tác tại Báo Mực Tím cho biết: “Tôi nhớ đến thầy Châu Văn Tuy. Không chỉ cho tôi ở trọ miễn phí mà còn chỉ bảo, định hướng con đường tương lai của tôi. Chính thầy là người nói tôi làm lại bộ hồ sơ đăng kí thi đại học vì thầy tin với hoàn cảnh gia đình và khả năng, tôi phù hợp học ở TP.HCM hơn là Cần Thơ. Cũng từ định hướng ấy mà tôi có cơ hội tiếp cận với công việc viết lách và trở thành nhà báo như hiện nay. Công việc này cũng giúp tôi có thể chia sẻ cùng với nhiều bạn học trò khăn học tốt. Thầy không chỉ định hướng mà còn vạch ra, dõi theo từng bước đi của tôi. Biết tôi không có tiền đi học luyện thi trên thành phố như phần đông bạn bè, mà về nhà thì có khi phải đi làm mướn khiến xao nhãng học hành, thầy bảo cứ ở lại nhà thầy ôn tập, ăn uống cùng gia đình thầy. Rồi khi tôi tạm biệt thầy lên thành phố thi, tôi thấy thầy đứng nhìn tôi rất lâu. Nhiều năm trôi qua nhưng tôi vẫn nhớ như in ánh mắt dõi theo của thầy khi ấy. 

Tôi nhớ đến cô Mã Thị Xuân Thu, người đã “tác động” để tôi chuyển từ đội tuyển Ngữ văn sang đội tuyển Lịch sử. Tâm huyết, kiến thức từ cô đã truyền cho tôi niềm đam mê học sử, giúp tôi đạt được giải khuyến khích vòng tỉnh và quốc gia môn học này.”

Kể về ngôi nhà chung của biết bao thế hệ sinh sống tại Đầm Dơi, ông Trịnh Huỳnh An – Phân Hiệu phó Trường Đại học Bình Dương, Tỉnh Cà Mau tâm sự: “Tôi tự hào là học sinh trường THPT Đầm Dơi niên khóa 2004 – 2007. Vì ngôi trường này không chỉ dạy chúng tôi kiến thức mà còn cả đạo đức làm người. Những học trò nghịch ngợm ngày xưa giờ đã trở thành những người thành đạt, giữ nhiều vị trí quan trọng trong cơ quan, doanh nghiệp. Dù ở cương vị nào thì những cựu học sinh luôn lao động hăng say bằng tâm – trí – đức để làm rạng rỡ thêm truyền thống quý báu của nhà trường.

Còn rất nhiều mảnh ghép ký ức đầy ắp những yêu thương sẽ được diễn ra tại Trường THPT Đầm Dơi vào đêm 14/11 và sáng ngày 15/11. Tất cả sẽ chung vui cùng hát khúc ca chúc mừng sinh nhật THPT Đầm Dơi Tuổi 40. Đây cũng là khoảnh khắc mở ra hành trình mới với bao nỗ lực đối diện với các thách thức, sự đổi mới, nâng tầm. Bằng tâm huyết và cố gắng vượt bậc của mình Trường THPT Đầm Dơi phấn đấu trở thành trường trong khối THPT Chất lượng vươn xa, giữ vững vị thế Đạt chuẩn Quốc gia, tiếp đổi mới chất lượng giáo dục, để kiến tạo tương lai, bồi dưỡng nhân tài cho xã hội, quê hương, đất nước.

Tác giả: Gia Anh

Nguồn tin: phongcachdoisong.vn

LIÊN KẾT
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập106
  • Hôm nay32,630
  • Tháng hiện tại249,526
  • Tổng lượt truy cập8,181,350
Tiên học lễ
  duoi02
Hậu học văn
duoi02
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây