MIỀN KÝ ỨC CỦA TÔI

Chủ nhật - 30/10/2022 19:05
Thời gian cứ lặng lẽ bước đi, nhịp nhàng, đều đặn. Cơn lốc của thời gian cuốn trôi nhiều điều vào miền quên lãng. Từng bước đi của đời người với bao khó nhọc, khiến chúng ta thường nghĩ về hiện tại, về tương lai hơn là quá khứ, hoài niệm bâng khuâng…
Thời gian làm rơi kỉ niệm, những câu chuyện của hôm qua đã thuộc về quá khứ. Nhưng trong ký ức của tôi, mái trường nhỏ nơi thị trấn nghèo vẫn là bến đỗ của yêu thương. Bốn mươi năm, khoảng thời gian hơn nửa đời người, vậy mà đôi lúc tôi có cảm giác nó đi quá nhanh, như mới ngày nào. Mỗi khi hồi ức về quá khứ tôi lại nhói đau, nuối tiếc, nhắc về cái “hồi đó” cực khổ sao vẫn thấy hãnh diện và tự hào. Bởi vì đó là kỷ niệm ấm áp của một thời áo trắng, một thời nuôi ta, dạy ta khôn lớn trưởng thành.

Cách đây 40 năm, Đầm Dơi còn là miền đất xa xôi, nghèo khó, quê hương anh hùng, bước ra từ khói lửa chiến tranh, chữ nghĩa, kiến thức văn hóa đến với nơi đây thật vất vả và gian lao. Niềm khao khát đó được giải tỏa bằng sự hình thành một ngôi trường cấp III - Trường PHTH Ngọc Hiển - (lúc này tên huyện cũng là tên Ngọc Hiển, sau mới tách ra thành 3 huyện Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển) để cho con em Đầm Dơi được học gần hơn, cao hơn.

Trường THPT Đầm Dơi được thành lập 40 năm. Và cũng gần ngần ấy thời gian tôi gắn bó với trường. Tôi là học sinh khóa 4 (1983 – 1986) và cũng là giáo viên của trường từ năm 1991. Tôi đã từng chứng kiến bao cuộc thay đổi thăng trầm, bao cuộc chia tay vui buồn sâu lắng. Ngôi trường 40 năm đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển của mình, hồi ức lại chỉ thấy thương nhớ khôn nguôi. Đâu rồi, dãy phòng học mái lá đơn sơ, vách ngăn rách nát, nền đất lầy lội, ngập nước vào mùa mưa, thầy cô và học trò đều nghèo khó. Những năm đầu mới thành lập mỗi thầy dạy 2 đến 3 môn. Phần lớn thầy cô được tăng cường từ miền Bắc, miền Trung, từ Sài Gòn vào: thầy Trường, thầy Thắng, thầy Đạm, thầy Lân, thầy Lê Ninh, thầy Dương Ninh, thầy Thục, thầy Lưu, thầy Trung, thầy Lập, thầy Minh, thầy Thành, thầy Phúc, thầy Ái, thầy Sơn, thầy Trí, thầy Quân, thầy Hưng, thầy Thông, thầy Huệ, cô My… và còn nhiều thầy cô nữa, đời sống khó khăn nhưng thầy cô vẫn nặng nghĩa tình với mảnh đất nơi này, với lớp đàn em thân thương. Trong những thầy cô khai hoang, mở đất có người đã đi thật xa, xa mãi, chúng ta hãy thành kính tri ân, thương nhớ để vững một niềm tin, động lực tiếp tục hành trình kiến tạo cho một ngôi trường.

6 năm sau, kể từ ngày thành lập, trường được xây mới. Tuy có 8 phòng học, mái ngói sơn son nhưng khuôn viên, sân chơi, bãi tập, trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy vẫn là con số không, xung quanh hoang sơ, những đám năng, lau sậy mọc um tùm, khó khăn vẫn còn chồng chất.

Tháng 9/1987, thầy Nguyễn Ái về làm Hiệu trưởng- trước đó là thầy Nguyễn Sơn Trường (1980-1985) và thầy Nguyễn Tất Thắng (1985-1987) - với phương châm “Khắc phục khó khăn, vươn lên để phát triển”. Có thể nói 10 năm đầu là thời kỳ khởi dựng, lập nghiệp; 10 năm tiếp là giai đoạn ổn định, tạo đà; từ năm 2001 đến nay là thời kỳ tăng tốc phát triển mạnh về số lượng, chất lượng giáo dục toàn diện, từng bước sánh vai với các trường chất lượng tốt trong cả nước. Năm 2012, Trường THPT Đầm Dơi được công nhận đạt chuẩn Quốc gia và là ngôi trường THPT đầu tiên trong tỉnh đạt chuẩn. Cũng trong năm đó, thầy trò nhà trường có cuộc chia tay thật buồn, thầy Nguyễn Ái chuyển về làm Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển, thầy Châu Văn Tuy lên thay tiếp bước truyền thống cha anh.

Trong 40 năm hình thành, phát triển có nhiều thế hệ thầy cô giảng dạy và làm việc tại trường nhưng dù có đi đâu, ở đâu thì trong miền ký ức của thầy cô vẫn tự hào vì đã gắn bó với mái trường THPT Đầm Dơi thân yêu. Rất nhiều thầy cô chuyển công tác, có thầy ở hơn nữa vòng quả đất nhưng trong trái tim vẫn dành một phần tình cảm cho ngôi trường và học sinh nơi này, thật cao cả, thiêng liêng biết mấy!

Bốn mươi năm, 38 thế hệ học sinh ra trường, có người nối nghiệp thầy cô trở về chèo lái con thuyền mơ ước, có biết bao anh chị, bạn bè, đàn em thân thương thành đạt, đem công sức và trí tuệ của mình góp phần xây dựng cuộc sống gia đình, quê hương, đất nước. Rất hãnh diện, rất tự hào về một ngôi trường đã dạy ta nên người, về một ngôi trường có bề dày thành tích, về một ngôi trường đào tạo nhiều nhân tài. Từ ngôi trường này, có người đang giữ vai trò, vị trí cao trong cơ quan Đảng và Nhà nước; có người là Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ, Cử nhân; có người là bác sĩ, kỹ sư; có người buôn bán, kinh doanh; có người trực tiếp sản xuất để làm ra của cải cho xã hội…Dù ở cương vị nào, nghề nghiệp gì thì học sinh của trường vẫn sống tốt, sống hết mình, vẫn nhớ lời dạy bảo năm xưa của thầy cô.

Giáo dục và đạo tạo con người, khó khăn vất vả gấp vạn lần so với trồng cây vào đất. Là người con của quê hương Đầm Dơi, là lãnh đạo nhà trường thế hệ kế tiếp, tôi xin tri ân những thầy cô từng là cựu lãnh đạo, giáo viên, nhân viên qua các thời kỳ. Cám ơn các thầy cô đã lao tâm, khổ trí, dành hết tình thương cho đàn em thân yêu, dành hết tâm huyết vì sự phát triển của nhà trường. Cám ơn các thầy cô đã đã khơi dậy tinh thần hiếu học để con em Đầm Dơi vững bước đến trường, vượt qua gian khó.

Xin chân thành cảm ơn lãnh đạo Đảng, Nhà nước tỉnh Cà Mau, Cảm ơn Sở GD và ĐT Cà Mau, cảm ơn lãnh đạo Huyện ủy, UBND và các Ban ngành đoàn thể huyện Đầm Dơi, cảm ơn nhân dân Đầm Dơi, các bậc cha mẹ học sinh, cựu học sinh qua các thế hệ, mạnh thường quân, các anh chị phóng viên báo đài đã động viên, ủng hộ về tinh thần, vật chất, trao gửi tình yêu thương, tiếp thêm niềm tin vững chắc về sự phát triển của một ngôi trường.

Xin trân trọng sự hy sinh âm thầm, sự đóng góp to lớn của quý thầy cô đang trực tiếp giảng dạy, ngày đêm miệt mài trên bục giảng, khai trí, khai tâm. Thầy cô giáo không chỉ thắp lên mà còn duy trì ngọn lửa của đam mê để rồi từng thế hệ học sinh rời trường, vẫn khắc sâu trong tâm hồn khát khao lập danh, lập nghiệp, xây dựng cuộc sống, xây dựng quê hương, đất nước.

Xin tỏ lòng tự hào, thán phục trước sự thành công, trưởng thành của các thế hệ học sinh trường THPT Đầm Dơi.
Chúng ta nắm giữ chiếc đồng hồ trên tay nhưng không thể ngăn thời gian dừng lại. Lời tri ân này, lòng kính trọng này, nỗi nhớ và niềm tin này sẽ mãi mãi trong miền ký ức của tôi.

Tác giả: Thầy Võ Thanh Hùng – nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Đầm Dơi

LIÊN KẾT
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập17
  • Hôm nay5,891
  • Tháng hiện tại26,854
  • Tổng lượt truy cập9,220,445
Tiên học lễ
  duoi02
Hậu học văn
duoi02
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây