Với tinh thần yêu nước nồng nàn, với sự sáng suốt về chính trị, tháng 6/1911, Người ra nước ngoài, hòa mình với những công nhân và những người dân thuộc địa, vừa lao động để sống, vừa học tập, nghiên cứu các học thuyết cách mạng. Năm 1917, thắng lợi của cách mạng tháng Mười Nga đã đưa Hồ Chủ tịch đến với Chủ nghĩa Mác – Lênin. Người đã nhận rõ đường lối duy nhất đúng đắn để giải phóng dân tộc và giải phóng xã hội. Năm 1919, Người gia nhập đảng xã hội Pháp và hoạt động trong phong trào công nhân Pháp. Cũng năm đó, Người gửi đến Hội nghị Véc – xây (Pháp) “Bản yêu sách của nhân dân Việt Nam”, đòi Chính phủ Pháp phải thừa nhận các quyền tự do và bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Tháng 12/1920, trong Đại hội lần thứ 18 của Đảng xã hội Pháp, Người bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế cộng sản và tham gia thành lập Đảng cộng sản Pháp. Sự kiện trên đây đánh dấu bước ngoặt trong đời hoạt động cách mạng của Người, bước ngoặt từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa cộng sản.
Từ năm 1921 đến năm 1925, Người tham gia thành lập Hội liên hiệp các dân tộc thuộc địa, xuất bản báo “Người cùng khổ” ở Pháp (1922), Người thành lập Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông (1925). Người tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội, mà hạt nhân là cộng sản Đoàn, đồng thời ra báo Thanh niên và mở lớp huấn luyện đào tạo hàng trăm cán bộ đưa về nước hoạt động.
Ngày 03/02/1930, Người triệu tập hội nghị hợp nhất tại Cửu Long (Hương Cảng) để thống nhất các nhóm cộng sản trong nước thành Đảng cộng sản Việt Nam.
Năm 1941, sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài, Người về nước triệu tập Hội nghị lần thứ 8 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, quyết định đường lối đánh Pháp, đuổi Nhật, thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất lấy tên là Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh), gấp rút xây dựng lực lượng, đẩy mạnh phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng, chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Ngày 22/12/1944, Người chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay và xây dựng căn cứ địa cách mạng.
Tháng 8/1945, trong không khí sôi sục cách mạng của thời kỳ tiền khởi nghĩa, Người cùng Trung ương triệu tập Đại hội quốc dân ở Tân Trào. Đại hội đã cử Người làm Chủ tịch Chính Phủ lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Người đã phát lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ngày 2/9/1945, Người đọc bản tuyên ngôn độc lập trước nhân dân cả nước và nhân dân toàn thế giới tuyên bố thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Châu Á.
Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946 được ký kết giữa Việt Nam dân chủ cộng hòa và Pháp. Quân Tưởng Giới Thạch rút khỏi miền Bắc Việt Nam, quân đội Pháp mở rộng đánh chiếm miền Nam, kéo ra miền Bắc và lấn dần từng bước ở miền Bắc, âm mưu tiến tới xóa bỏ nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Trước tình hình ấy, tháng 12/1946, Chủ tịch Hồ Chí kinh kêu gọi toàn quốc kháng chiến và cùng Ban chấp hành Trung ương Đảng lãnh đạo cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện và lâu dài chống thực dân Pháp đến thắng lợi lịch sử Điện Biên Phủ (1954).
Tháng 7/1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết. Miền Bắc Việt Nam được giải phóng. Nhưng một nửa nước ở miền Nam bị đế quốc Mỹ biến thành thuộc địa kiểu mới của chúng. Tháng 9/1960, Đại hội lần thứ III của Đảng đã họp, thông qua Nghị quyết về hai nhiệm vụ chiến lược và bầu đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Người và của Ban chấp hành Trung ương Đảng, nhân dân ta vừa đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước để bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà và đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Ngày 02/9/1969 Người từ trần, hưởng thọ 79 tuổi. Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một cuộc đời trong sáng, cao đẹp của một người cộng sản vĩ đại, một anh hùng dân tộc kiệt xuất, một chiến sĩ quốc tế lỗi lạc, đã đấu tranh không mệt mỏi và hiến dâng cả đời mình vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, vì độc lập, tự do của các dân tộc, vì hòa bình và công lý trên thế giới.
Cuộc họp lần thứ 24, năm 1987, tổ chức giáo dục khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), ra nghị quyết về kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh “Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam và là một nhà văn hóa lớn”.