Điểm cốt lõi cho kỷ luật tích cực
Nghề dạy học có nhiều nguy cơ, rủi ro và áp lực… Chính những vấn đề này vô hình trung đã biến thầy, cô trở thành “thợ dạy”.
TS Nguyễn Ngọc Ân.
Phát biểu đề dẫn, cô Hiệu trưởng Lưu Thị Lập nhấn mạnh, Trường THPT Hoàng Cầu được biết đến là một trong những trường tiên phong triển khai xây dựng mô hình trường học hạnh phúc.
Trường học hạnh phúc là nơi thầy, cô giáo, học sinh cũng như phụ huynh đều cảm thấy hạnh phúc trong quá trình dạy – học. Là nơi, tình yêu thương giữa các nhà giáo, giữa thầy – trò, giữa học sinh với nhau được trân trọng và bồi đắp hàng ngày.
Bên cạnh việc truyền thụ kiến thức, kỹ năng, thái độ cho học sinh, nhà trường còn chú trọng giáo dục bồi đắp tâm hồn đẹp cho các em. Mọi cảm xúc riêng biệt, cá tính sáng tạo của thầy – trò phải luôn được tôn trọng, không bị áp đặt một cách máy móc, rập khuôn theo phương cách giáo dục xưa cũ, lỗi thời.
Cô Hiệu trưởng Lưu Thị Lập phát biểu đề dẫn hội thảo. |
Cô Lập nhìn nhận, kỷ luật là hình thức đánh giá, xử lý không thể thiếu trong trường học. Tuy nhiên, kỷ luật như thế nào, ra làm sao để mang tính tích cực, thúc đẩy sự tiến bộ của học trò thì không phải ai cũng biết, cũng làm tốt được.
“Hội thảo “Kỷ luật tích cực để xây dựng trường học hạnh phúc” nhằm giúp giáo viên có thêm kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm về kỷ luật tích cực trong thực tiễn. Qua đó, góp phần thực hiện tốt, hiệu quả hơn trong quá trình xây dựng mô hình Trường học hạnh phúc” – cô Lập bày tỏ.
Theo cô Nguyễn Thị Lan Phương – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Cầu, giáo dục kỷ luật tích cực không phải là sự buông thả, để học sinh muốn làm gì thì làm; không có các quy tắc, giới hạn hay sự mong đợi; những phản ứng mang tính ngắn hạn hay những hình phạt thay thế cho việc đánh mắng, sỉ nhục…
Chia sẻ thông điệp về kỷ luật tích cực để thầy - trò cùng hạnh phúc, cô Phương nhắn gửi, hãy làm cho học trò tôn trọng ngưỡng mộ với tài năng, nhân cách của thầy, cô giáo. Đây là xuất phát điểm cho niềm tin vào cái đẹp, cái thiện trong cuộc đời, là sự khởi đầu cho sự hình thành nhân cách và là điểm cốt lõi cho kỷ luật tích cực.
TS Nguyễn Ngọc Ân – Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam trao đổi tại Hội thảo. |
Kỷ luật tích cực thì thầy - trò mới được hưởng hạnh phúc
Theo TS Nguyễn Ngọc Ân, ở thời điểm này, Trường học hạnh phúc là nơi học sinh, thầy, cô giáo và cán bộ, nhân viên của nhà trường được yêu thương, tôn trọng, an toàn, được hiểu và có giá trị.
Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Cầu nhìn nhận, hạnh phúc do mình tạo ra mà có, chính sự cần mẫn, chăm sóc, chứng kiến sự đơm hoa kết trái, thầy cô sẽ gặt hái những trái ngọt hạnh phúc. Thành công của học trò là thước đo giá trị hạnh phúc mà mỗi thầy cô nhận được trong quá trình rèn giũa, dạy chữ và dạy làm người.
“Hãy bù đắp và trao cho học trò những gì các em còn thiếu. Tình cảm ấm áp của thầy, cô giáo cùng với học trò sẽ chinh phục bất kỳ khó khăn nào và tạo nên những bến thanh xuân ý nghĩa của các thế hệ học trò” – cô Phương bày tỏ.
Đặt vấn đề tại sao phải xây dựng trường học hạnh phúc? TS Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam trao đổi tại hội thảo, một xã hội tiến bộ phải bền vững thì con người sống trong đó phải đồng cảm, khoan dung, có mối quan hệ tích cực và sáng tạo. Những người có khả năng, có kỹ năng và sẵn sàng hợp tác và biết “chung sống chung” một cách tốt đẹp nhất, có giá trị sống và kỹ năng sống.
Cán bộ, giáo viên Trường THPT Hoàng Cầu tham dự hội thảo. |
Đó là những kỹ năng và những giá trị được tạo dựng ở trong nhà trường và những tố chất ấy sẽ được bảo đảm nếu từ nhỏ học sinh được học trong những “Trường học hạnh phúc”.
TS Nguyễn Ngọc Ân chia sẻ, hãy bắt đầu từ những điều giản dị để xây dựng Trường học hạnh phúc, ở đó, hiệu trưởng và tất cả giáo viên, học sinh phải thay đổi để tạo ra môi trường hạnh phúc, giúp học sinh có cơ hội được sáng tạo, phát triển và thành công trong học tập, cũng như cuộc sống.
Tuy nhiên, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho rằng, nếu không vận hành kỷ luật tích cực sẽ không ra được Trường học hạnh phúc. Chỉ khi kỷ luật tích cực thì thầy, cô giáo và học sinh mới được hưởng hạnh phúc.
Nêu thực tế ở một số cơ sở giáo dục, TS Nguyễn Ngọc Ân nhìn nhận, có thực trạng môi trường dạy học thiếu hấp dẫn, giáo viên thiếu nhạy cảm, phương pháp dạy học thiếu đổi mới; nội dung dạy học thiên về kiến thức lý thuyết, hàn lâm, ít chú trọng về dạy người với đạo đức và kỹ năng cần thiết cho cuộc sống sau này của học sinh…
Toàn cảnh hội thảo. |
“Áp lực thi cử, cùng với nhiều áp lực khác… đã tác động tiêu cực đến người học và có thể khiến trường học trở thành nơi không hạnh phúc” - TS Nguyễn Ngọc Ân nhìn nhận.
Khẳng định sự cần thiết phải “tái định vị trường học”, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam nhấn mạnh, trường học không chỉ là nơi cung cấp các nhu cầu giáo dục, mà phải là nơi tạo ra sự hạnh phúc. Qua đó, góp phần tạo nên xã hội hạnh phúc để có thể tăng trưởng và phát triển bền vững.
“Một đứa trẻ hạnh phúc có ý nghĩa không kém, thậm chí còn có ý nghĩa hơn một người trưởng thành hạnh phúc; vì nó là “mầm hạnh phúc” của xã hội trong tương lai” – TS Nguyễn Ngọc Ân khẳng định.