Một đoàn khảo sát vùng Đất Lửa (Nam Mỹ) trên con tàu Bigơn đang chuẩn bị tiến hành. Đacuyn lúc đó 22 tuổi tìm mọi cách để được tham gia cuộc khảo sát. Suốt năm năm trời (1931 - 1836), ông đã cùng con tàu Bigơn đi dọc theo bờ biển châu Mỹ, châu úc. Ông đã quan sát thiên nhiên, sưu tầm các động thực vật, tìm hiểu phong tục thổ dân... Ông viết nhật ký và thư từ trao đổi với bạn bè và gia đình về những kết quả sưu tập và những nhận xét khoa học. Trong lúc con tàu Bigơn còn đang lênh đênh trên Thái Bình Dương, thì một người bạn của ông đã thông báo về những công trình sơ thảo của ông cho các hội viên của Hội khoa học Hoàng gia Anh. Cho nên khi ông trở về nước, ông đã được đón tiếp như một nhà bác học lớn.
Nhưng Đacuyn còn nhiều việc phải làm, phân loại mẫu sưu tập, chỉnh lý những tài liệu ghi chép, thực hiện thí nghiệm... mới hoàn chỉnh được học thuyết về tiến hóa đang thai nghén. Đacuyn đã dành suốt 20 năm để hoàn thành công trình nghiên cứu. Cuốn Nguồn gốc các giống loài theo con đường đào thải tự nhiên của ông xuất bản năm 1859 như một tiếng sấm làm rung chuyển màn mây mù tăm tối. Bằng những lập luận chặt chẻ trên cơ sở tư liệu phong phú, Đacuyn đã giải thích sự hình thành các loài sinh vật bằng quá trình tiến hóa chọn lọc, chứ không phải bằng "bàn tay Thượng đế". Học thuyết của ông đã lật đổ quan niệm cũ về tính cố định và bất biến của tự nhiên.
Giáo hội Thiên chúa giáo và một số nhà bác học thủ cựu, đả kích kịch liệt học thuyết "phản chúa" của Đacuyn. Nhưng những công trình lý thuyết của Đacuyn và của các nhà khoa học khác, cùng những công trình thực nghiệm ở nhiều nước đã tạo thêm sức thuyết phục cho học thuyết tiến hóa và đã làm cho học thuyết Đacuyn chiến thắng.
Cuộc chiến đấu cho chân lý đã làm cho sức khỏe của ông giảm sút. Tuy nhiên, ông vẫn bắt tay vào soạn thảo những công trình kế tiếp để bổ sung hoàn chỉnh cho những lập luận về tiến hóa. Cho đến những ngày cuối cùng của cuộc đời, khi đã 73 tuổi, ông vẫn không rời căn phòng làm việc. Ông mất ngày 19-7-1882.